Home » Archives for tháng 10 2014
Một tuần lên kế hoạch và hành động trong vòng 1 phút
Như tin đã đưa, vào khoảng 10h ngày 28/10, tiệm vàng Ngọc Bốn, thôn Thanh Khê, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã bị nhóm cướp gồm 5 đối tượng bịt kín mặt đi chiếc xe 16 chỗ mang BKS 30N 4746 đột kích cướp đi khoảng 30 cây vàng. Sau 8 giờ gây ra vụ án, nhóm 5 đối tượng này đã bị cơ quan công an nhanh chóng tóm gọn.
Chân dung 5 đối tượng tại cơ quan điều tra
Ngày 29/10 thiếu tá Lê Hải Nam – Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam cho biết: “19h30’ ngày 28/10 bằng nghiệp vụ tổ công tác đã bắt giữ đối tượng cuối cùng trong vụ án là Lê Bá Thọ (SN 1996). Sau khi bị bắt tại cơ quan điều tra các đối tượng khai nhận để thực hiện vụ cướp các đối tượng này đã thăm dò và lên kế hoạch trước đó gần 1 tuần.”
Mọi kế hoạch được nhóm đối tượng thực hiện hết sức tinh vi và nhanh gọn. Với số hung khí trong tay gồm rìu, búa, và một khẩu súng K59 mọi công việc được phân công rất rõ ràng. Trong số 5 đối tượng thì Hùng chính là chủ mưu của vụ án, Hùng được Hảo giao cho một khẩu súng K59, Hảo là người lái xe, Tùng dùng rìu xông vào, Quang đi mua khẩu trang và găng tay, còn Thọ dùng búa.
Để thực hiện kế hoạch, trước đó 1 tuần thì Hùng đã xuống địa bàn xã Thanh Hải thăm dò địa hình, sau khi thăm dò xong các đối tượng đã phát hiện thấy tiệm vàng Ngọc Bốn là địa điểm dễ dàng nhất, trong tiệm chỉ có hai vợ chồng nên dễ không chế. Lợi dụng lúc trời mưa, sáng ngày 28/10 Hảo đã điều khiển xe ô tô 16 chỗ màu xanh mang BKS 30N 4746 đi từ Phủ Lý xuống rồi thực hiện kế hoạch cướp tiệm vàng.
Khi đến nơi Hảo lái xe đánh đuôi xe vào phía trước cửa tiệm vàng Ngọc Bốn, lúc này Hùng cầm súng, Tùng dùng rìu xông vào, sau đó Quang và Thọ dùng búa tiếp tục lao vào cướp toàn bộ số vàng. Chỉ chưa đầy 1 phút nhóm đối tượng đã cuỗm số vàng tại tiệm rồi lên xe chạy về hướng Ninh Bình. Chạy được khoảng 200m thấy có người dân truy đuổi Hảo đã điều khiển xe chạy quay ngược lên hướng TP. Phủ Lý.
Hành trình tóm gọn nhóm cướp sau 8 giờ gây án
Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Nam đã có mặt tại hiện trường. Qua thông tin cung cấp của người dân và camera an ninh tại tiệm vàng Ngọc Bốn, lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp với Cảnh sát 113, Cảnh sát hình sự huyện Thanh Liêm, Công an thành phố Phủ Lý, đã xác minh khoanh vùng truy bắt các đối tượng.
Từ các thông tin mà người dân cung cấp, lực lượng chức năng đã phân công 3 tổ chặn 2 đầu toàn bộ các tuyến đường QL1A, QL21, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đây chính là các tuyến đường chính mà các đối tượng có thể sẽ tẩu thoát. Bên cạnh đó lực lượng Công an phối hợp với các trạm thu phí rà soát qua camera xem có chiếc xe nào nghi vấn không. Đồng thời phân công các chiến sĩ công an tiến hành dò hỏi thông tin về chiếc xe. Sau quá trình dò hỏi, nhận được thông tin có chiếc xe giống như mô tả chạy về hướng phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý mà chưa thấy ra. Ngay lập tức tổ công tác rà soát địa bàn nghi vấn là Phường Thanh Châu.
“Trong quá trình rà soát phát hiện tại nhà bà Nguyễn Thị Thoa (SN 1937), trú tại thôn Bảo Lộc 2, phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý có biểu hiện đáng nghi. Phía trước cửa chính được khóa bằng 2 khóa, các cửa khác được che bạt kín mít. Nhận thấy bên trong có một chiếc xe được bịt kín toàn bộ, lực lượng chức năng xác định đây chính là địa điểm nghi vấn nhất", thiếu tá Nam cho biết.
Khi tổ công tác gọi cửa thì có tiếng từ trong nhà vọng ra cửa khóa mất chìa rồi không mở được. Sau đó từ trong nhà xuất hiện 3 đối tượng nghi vấn nhảy qua tường rào chạy về phía cánh đồng.
Các tang vật được lực lượng chức năng thu giữ
Bằng nghiệp vụ, sau 1 giờ vây bắt, tổ công tác đã tóm gọn được các đối tượng Phạm Xuân Hảo (SN 1990), Lê Thanh Tùng (SN 1992), Đinh Khắc Quang (SN 1996). Khoảng 16h đối tượng Hoàng Văn Hùng (1992) cũng bị tổ công tác bắt giữ. Đến khoảng 19h30’ ngày 28/10 bằng nghiệp vụ tổ công tác đã bắt giữ đối tượng cuối cùng trong vụ án là Lê Bá Thọ (SN 1996) khi y đang lẩn trốn tại một đám cưới.
Tại cơ quan điều tra các đối tường thừa nhận do nghiện ma túy và thiếu tiền tiêu xài nên đã cướp tiệm vàng Ngọc Bốn. Tang vật mà các cơ quan thu giữ gồm: 150 nhẫn các loại, 16 đôi hoa tai, 16 dây chuyền, 11 đoạn hình khối kiểu kiềng, 1 lắc màu vàng và hung khí gây án gồm 1 súng K59 có 5 viên đạn cùng rìu, búa và kiếm.
“Các đối tượng sau khi đưa về cơ quan điều tra vẫn đang có dấu hiệu ngáo đá, bà Thoa chính là bà nội của đối tượng Phạm Xuân Hảo. Trong 5 đối tượng thì Hảo, Hùng và Tùng là anh em họ hàng. Đây là một vụ án nghiêm trọng có kế hoạch và hết sức táo tợn”, thiếu tá Nam cho biết thêm.
LTS: “Có một nhân chứng là người địa phương, biết tiếng S’Tiêng, ở gần nơi xảy ra vụ án, sẵn sàng cung cấp thông tin minh oan cho Lê Bá Mai”. ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đã cho biết như thế tại diễn đàn QH sáng 27/10.
Nhân chứng này là ai? Người này biết gì về vụ án vườn mít? Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã hỏi chuyện “nhân chứng mới” này và xin không bình luận gì.
Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Hảo, người mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Mạnh Hùng đã đề cập, để làm rõ những thông tin ông Hùng nói. Bà Hảo sinh năm 1958, quê ở Bắc Giang, vào xã An Khương, huyện Bình Long (nay là huyện Hớn Quản, Bình Phước) sống từ năm 1990. Bà biết rành tiếng S’tiêng. Bà Hảo nói: “10 năm rồi nhưng mọi chuyện còn như in trong đầu tôi. Tôi phải nói ra để lòng tôi nhẹ nhàng, dù chỉ là một hy vọng mong manh minh oan cho thằng Lê Bá Mai. Tôi vừa tiếp tục làm đơn xin được trình bày những điều tôi biết với VKSND Tối cao và TAND Tối cao mà chưa thấy hồi âm”.
“Ngày mai đổ hết tội cho thằng Mai”
. Xin bà cho biết bà biết gì về vụ án?
+ Trước giờ, công an, VKS, tòa án đều nói cháu Út mất tích ngày 12-11-2004. Tuy nhiên, hôm đó mọi việc trong sóc vẫn bình thường. Không nghe ai bàn tán chuyện hiếp dâm giết người gì cả. Cho đến tối 15-11 (một ngày trước khi phát hiện xác cháu Út), trong lúc đi ngang nhà ông Điểu Ky (anh họ nạn nhân, nhân chứng trong vụ án), tôi nghe đám đông trong ấy nói với nhau bằng tiếng S’Tiêng: “Ngày mai đổ hết tội cho thằng Mai”. Tôi lại nghĩ chắc họ đổ cho thằng Mai xịt thuốc cỏ để trâu ăn chết gì đó.
Sáng hôm sau, tôi lên quán mua đồ ăn, nghe người ta nói nhà Điểu Ky đang tụ tập đông người lắm. Tôi nhớ lại chuyện tối qua, lại nghĩ chắc họ muốn đánh thằng Mai. Tôi đi theo lối tắt đến chòi thằng Mai trước để báo tin nhưng không thấy nó. Một nhóm ngang qua nhà thằng Mai nhưng không vào nhà. Tôi đi theo nhóm này, đến chỗ trồng mì thì thấy họ lao vào đánh Mai. Tôi hỏi thì họ trả lời thằng Mai chở con Út đi bỏ ở đâu từ ngày 11, 12 rồi. Tôi hỏi sao không đi kiếm liền bữa đó thì nhóm này bảo không biết.
Sau đó đám ông Ky đến. Tôi hỏi một thanh niên đi đâu thì người này trả lời đi kiếm xác Út. Tôi đi theo sau, đi bộ theo đường mòn, ra đến gốc da thấy nước mênh mông. cái suối nước ngập ngang người lội qua không được nên tôi không đi nữa. Tôi ngồi đốt thuốc thì nghe tiếng la “thấy rồi!”. Tôi chạy vòng qua khu vườn tràm đến coi. Hiện trường không có dấu hiệu gì xô xát ẩu đả cả. Cây mì không đổ, không nghiêng ngả. Xác chết thì quá thối, đã rữa. Không hiểu sao khi chưa biết cháu Út sống hay chết mà họ đã đi kiếm xác, khi chưa phát hiện ra xác chết thì Mai đã bị đánh.
Nguyên ĐBQH Nguyễn Thị Hoài Thu (trái) trong một lần trò chuyện
với bà Nguyễn Thị Hảo. Ảnh: PL
Băng ghi âm đã mất (?)
. Ngoài ra bà có chứng cứ gì khác?
+ Có. Đó là cuốn băng ghi âm cuộc trò chuyện của tôi với Điểu N.
. Điểu N. là ai?
+ Khi chuyện cháu Út rùm beng cả sóc, tôi mới nhớ lại lời kể của ông Tư Queo rằng đêm trước hôm đó thấy thằng Điểu N. đi vào khu vườn mít. Điểu N. suốt ngày say xỉn, từng hiếp dâm một người câm trong sóc. Mấy lần nó đi xuống rẫy tôi uống rượu. Tôi hỏi nó: “Mắc mớ gì mày giết con Út?”. N. nói: “Sao mợ biết?”. Nó còn nói: “Có hay không đi hỏi công an Sinh” (công an viên Nguyễn Văn Sinh, người có mâu thuẫn với Mai, người ghi lời khai ban đầu nhân chứng Hằng, sau này làm nhân chứng của vụ án).
Lần thứ hai, tôi lại hỏi: “Sao mày giết con Út rồi đổ cho thằng Mai?”. Điểu N. trả lời: “Con đâu có đổ. Mợ hỏi công an Sinh”. Lần thứ ba, nó đến nhậu, tôi nói: “Tao hỏi mày lần cuối, mày có nhận không, nếu không tao kêu công an bắt”. Lúc này nó quỳ xuống nói: “Con xin mợ đừng báo. Công an Sinh giết cả nhà con”.
. Bà đã giao nộp chứng cứ này chưa?
+ Tiếc là cuốn băng mất rồi. Bởi thời gian đó tôi thường phân trần thằng Mai bị oan, tôi có trong tay chứng cứ minh oan cho nó… Ai ngờ một buổi tối, nhà tôi bị trộm đột nhập. Cuốn băng tôi để trong nhà biến mất.
Từng được mời lấy lời khai?
. Sao bà không khai những điều này từ hồi vụ án mới xảy ra?
+ Tôi nói với ông Lê Bá Triệu (cha của Mai) làm đơn cho tôi được khai báo. Ông Huấn (điều tra viên) mời tôi ra xã làm việc. Tôi yêu cầu được ghi âm nhưng họ không cho. Vì vậy tôi về. Trước phiên tòa phúc thẩm lần ba, thông qua luật sư Huỳnh Thế Tân - người bào chữa cho Mai - tôi gửi đơn xin tòa được ra làm chứng nhưng không thấy tòa gọi.
. Nghe nói bà bị đe dọa khi đề nghị được làm nhân chứng?
+ Tôi nhận được nhiều số điện thoại lạ. Có khi đầu dây bên kia nói bằng tiếng S’Tiêng, đại ý muốn mua lại chứng cứ của tôi giá 100 triệu đồng. khi thì một số khác gằn giọng hỏi: “Bà đang ở đâu? Bà coi chừng đó!”.
. Ra làm chứng như vầy, bà có sợ liên lụy không?
+ Tôi nói ra sự thật để minh oan cho một con người nên tôi tin rằng sẽ được những người yêu công lý bảo vệ.
. Xin cảm ơn bà.
Thông tin đủ để xem xét lại vụ án Ngày 25/10, tại diễn đàn QH, ĐBQH Bùi Mạnh Hùng đã chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về vụ án vườn mít. Ông Hùng đề nghị VKSND Tối cao xem xét lại vụ án vườn mít với tinh thần không được bỏ lọt tội phạm nhưng nhất thiết không được để xảy ra oan sai. Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Mai không có đơn thư kêu oan gì cả. Vụ này không có yếu tố để tái thẩm, giám đốc thẩm” và “dù trong quá trình điều tra cũng có việc nọ, việc kia và sơ xuất nhưng những sơ xuất đó không làm thay đổi bản chất vụ án”. Sau đó, ngày 27/10, cũng tại diễn đàn QH, ông Hùng tiếp tục đề nghị VKSND Tối cao xem xét lại vụ án. Theo ông Hùng, ngay sau khi bị tuyên án chung thân, Lê Bá Mai đã gửi đơn kêu oan; cha mẹ và luật sư của Mai cũng liên tục gửi đơn kêu oan cho con và thân chủ nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Ông Hùng cho biết có một nhân chứng đứng ra cung cấp thông tin minh oan cho Mai đã khai báo cho cơ quan điều tra ngay từ đầu nhưng không rõ vì lý do gì bà không được mời làm nhân chứng. Theo ông Hùng, người này đã có đơn xin ra làm chứng nhưng sau khi làm đơn, bà liên tiếp nhận được nhiều lời đe dọa. Trao đổi sau đó, ông Hùng cho biết thêm nhân chứng đó là bà Nguyễn Thị Hảo (bộ đội phục viên, quê ở Bắc Giang, sống ở xã An Khương gần nơi Mai sinh sống). Do biết tiếng S’Tiêng nên bà nắm được nhiều thông tin, sau khi đối thoại với người dân tại đó, bà khẳng định Mai không phải là thủ phạm. “Tôi phải đưa ra thông tin này trước QH vì sau khi làm đơn, bà Hảo đã nhận được những đe dọa, yêu cầu ngừng ngay việc bà đang làm. Lo sợ sự an toàn tính mạng, bà Hảo không dám ở lại tỉnh Bình Phước nữa. Những thông tin trên đủ để cho tòa án và VKS phải xem xét lại vụ án” - ĐB Hùng nói. Từng một lần được tuyên trắng án Quá trình tố tụng kéo dài 10 năm, Lê Bá Mai từng hai lần bị tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình về hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy hai bản án này theo kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao. Tại phiên sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bị cáo không phạm tội, sau đó bị cấp phúc thẩm hủy án. Đến phiên sơ thẩm lần ba, tòa tỉnh Bình Phước lại tuyên bị cáo có tội nhưng thay vì tuyên tử hình, tòa lại tuyên mức án chung thân. Bản án này bị VKS cùng cấp kháng nghị đề nghị tăng nặng hình phạt, đồng thời Mai tiếp tục kháng cáo kêu oan. Lê Bá Mai, người từng hai lần bị tuyên án tử, một lần tuyên vô tội và lần cuối bị kết án chung thân. Ảnh: PL Đến phiên phúc thẩm lần ba (ngày 30/8/2013), Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án chung thân đối với Mai. Sau đó Mai và người nhà liên tục kêu oan. Nhiều ĐBQH và các vị nguyên là lãnh đạo VKSND Tối cao đã có văn bản kiến nghị xem xét lại vụ án. Theo hồ sơ, ngày 16/11/2004, người nhà phát hiện thi thể cháu Thị Út (11 tuổi) tại vườn mít trong trang trại của ông Dương Bá Tuân ở Hớn Quản (Bình Phước). Sau đó Mai bị bắt. Toàn bộ vụ án chỉ có Hằng (khi ấy mới chín tuổi) là nhân chứng trực tiếp và duy nhất thấy người đã chở Út đi. Trong lời khai đầu tiên (ngày 15/11/2004), Hằng khai thấy một thanh niên đầu quấn khăn, đội nón lá, đi xe máy, mang bình xịt, bình nước đá màu đỏ chở Út đi. Trong đơn trình báo cùng ngày, ông Điểu Ky, cha cháu Hằng, cũng nêu nhân dạng người thanh niên chừng đó, theo lời kể của cháu Hằng. Nhưng ngay sau khi Mai bị bắt, nhân chứng Hằng và ông Điểu Ky bắt đầu thay đổi lời khai, từ “thấy người thanh niên” đến “người thanh niên giống Mai” và cuối cùng là “người thanh niên chở Út đi là Mai”… |
Tôi hơi lo lắng một chút khi Hà ngồi trước mặt. Trái ngược với giọng nói nhẹ, trẻ và khá ngọt khi hẹn qua điện thoại, cô trông già hơn chục tuổi, khuôn mặt gầy sát, đen sạm, má rỗ, đôi mắt nhìn chằm chằm vào người đối diện. Cô đang hút thuốc, mắt nhìn thẳng vào tôi, còn tôi tự hỏi không biết chúng tôi có thể nói chuyện với nhau không.
Tôi đành bắt đầu bằng những câu hỏi xã giao, kiểu sống ở đâu, với ai, nhà có gần đây không... Khi Hà bắt đầu nói chuyện, tôi thấy dễ chịu hơn. Người đàn bà có vẻ ngoài bất cần đời này không phải là một bức tường đóng kín, cô ấy là cánh cửa đang từ từ mở ra. Và tôi thấy một thế giới khác.
Cô đơn trong gia đình
“Sao mẹ không ăn cơm? Mẹ ăn cơm đi chứ!” - đứa con trai 7 tuổi của Hà tròn mắt hỏi, khi cả nhà đang ăn cơm thì Hà về. Như mọi lần, bố mẹ Hà im lặng, tiếp tục bữa ăn của mình, không nói lời nào.
Hà sống cùng trong ngôi nhà này, nhưng là “sống cùng” theo nghĩa như vậy. Hà ăn riêng, ngủ riêng, hầu như không nói chuyện. Đi đi về về một phòng trên gác hai, nếu có ốm bệnh nằm đó thì mẹ Hà cũng mặc kệ. Kể cả con trai Hà, mọi việc ăn uống, chăm sóc, đưa đón… cũng đều do bố mẹ Hà đảm nhiệm. Hà không được ngủ với con, không được đưa con đi chơi. Có lần, Hà thèm tắm cho con quá, bảo con vào mẹ tắm cho, nhưng cô bị ngăn lại. Mẹ Hà bảo với cháu: “Không được để mẹ đụng vào người, lây bệnh!”.
Hà bị nhiễm HIV, chắc là do một lần dùng chung kim tiêm nào đó mà cô cũng không nhớ rõ.“Không thể trách bố mẹ được. Ông bà là dân lao động, hiểu biết có hạn, với lại, ông bà đã già rồi vẫn phải nuôi con cho em”, cô nói.
“Lấy chồng đã hại cuộc đời em!”, Hà kể. Hà lấy chồng năm 16 tuổi, một chàng trai hơn 2 tuổi, đã được bố mẹ cảnh báo trước là nghiện ngập. Trong một lần chồng thách thức “chơi không”, sẵn tính hiếu thắng trẻ con, cô chặc lưỡi “chơi thì chơi, sợ gì!”. Hà nghiện, chồng bị bắt đi cai, bố mẹ chồng đuổi cô ra khỏi nhà và cô bắt đầu đi làm gái.
Hà cười cười và gật gật đầu khi tôi hỏi về việc lên giường với một người xa lạ, làm sao để chấp nhận và vượt qua cảm giác đó. “Đúng là rất ghê! Nhưng với một con nghiện thì mỗi sáng thức dậy điều đầu tiên xuất hiện trong đầu là “làm sao để có tiền mua thuốc? – cô giải thích- một ngày trung bình hết 500 nghìn tiền thuốc, lấy đâu ra, bằng cách nào?”.
Tôi hỏi quãng thời gian đó, có lúc nào Hà nghĩ đến việc bỏ công việc này không. Hà lắc đầu, làm gì có lúc nào mà nghĩ! Nói ngắn gọn, cô chìm trong phê để quên đi cảm giác ghê và vượt qua cảm giác ghê để có tiền phê, trong 8 năm liền.
Đàn ông tìm đến Hà họa hoằn mới có người hỏi chuyện, đó là những giây phút tủi thân hiếm hoi. Hà thấy cuộc đời mình sao đến nông nỗi này và muốn thay đổi. Nhưng cảm giác đó đi qua rất nhanh, bởi: “Làm sao để thay đổi, muốn bắt đầu lại phải có tiền và có vốn. Ai giúp mình? Không ai giúp cả!”.
Thế nhưng, cách đây 6 năm, Hà đã tự nguyện đi cai nghiện. Hà muốn bỏ ma túy, bỏ nghề làm gái, bắt đầu lại từ đầu.
Bởi vì có con
Khi nhìn vào con, lần đầu tiên trong đời Hà muốn thay đổi. Hà nghĩ con mình bé dại, ông bà già không sống được bao lâu nữa, rồi con Hà cũng lớn lên và nhìn vào mẹ. Hà muốn con thấy mình là một bà mẹ bình thường, đi làm một công việc bình thường kiếm tiền nuôi con.
Hà phát hiện mình nhiễm HIV chính vào lúc cô ở trại cai nghiện, quyết tâm từ bỏ tất cả, làm lại cuộc đời. Bố mẹ Hà muốn cô không bao giờ quay trở về nhà nữa, không được lại gần con nữa. Giây phút ấy, là lúc Hà cảm thấy thương chính mình nhất. Mọi thứ như đóng sập lại đúng lúc cô muốn bắt đầu, cô cảm thấy mình mất tất cả.
Người đàn bà mà lúc mới gặp tôi nghĩ là đầu gấu, bây giờ mắt ươn ướt. Cô bảo khóc nhiều quá rồi nên bây giờ xúc động cũng không thấy nước mắt nữa, cho dù nhiều đêm tỉnh dậy thấy hai dòng nước lăn dài trên má.
Ba năm nay, sau khi rời khỏi trại cai nghiện, Hà bỏ nghề cũ, đi bán trà đá buổi tối ở vỉa hè. Hà nghĩ, đằng nào thì cũng chết trước bố mẹ mình, may ra ở cùng con vài năm nữa, nhưng còn ngày nào thì sẽ cố gắng làm lụng, tích cóp, lo cho con được từng nào hay từng đó. “Mỗi ngày, em kiếm được khoảng 50 nghìn đồng. Những ngày đi làm đầu tiên sau 8 năm làm gái, em nhận ra rằng kiếm tiền khó khăn như thế nào. Trước đó, mỗi lần “đi khách” em cũng được 300 - 500 nghìn”, Hà nói. Nhưng cảm giác cầm trên tay đồng tiền đó, mua quần áo, đồ dùng học tập cho con bằng đồng tiền đó, với Hà rất khác trước. Hà cười rất tươi: “Ba tháng sau khi đi làm, em dẫn con đi tới nhà sách, mua cho con món đồ chơi đầu tiên. Hạnh phúc lắm. Đó là đồ chơi xếp hình giá 70 nghìn đồng”.
Sau một buổi nói chuyện dài và buồn về quá khứ, tôi muốn hỏi một câu khiến cô vui lên: Hình ảnh nào, hay khoảnh khắc nào đó về con khiến em cảm thấy mạnh mẽ hơn, có động lực sống tiếp hơn? Hà mỉm cười: “Khi nhìn con học bài, em thấy tương lai của con còn phía trước, rằng ông bà đã già rồi, em phải kèm con học”.
Hà nói, bây giờ không buồn nữa, cô đang đăng ký một lớp học nghề ở CSAGA, ước mong có một nghề ổn định để kiếm tiền nuôi con trong thời gian còn lại. Tôi nhìn khuôn mặt hi vọng của Hà lúc đó và nghĩ rằng thực ra chúng tôi không có gì xa lạ, chúng tôi đều giống nhau và giống tất cả những người làm cha làm mẹ trên thế gian này, đều có thể thay đổi vì con và cố gắng làm việc mỗi ngày để con mình có một tương lai tốt hơn.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Trong 3 vụ giết người cướp tài sản chấn động miền Tây do thanh niên 20 tuổi Nguyễn Hoài Nam gây ra có 2 vụ tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Vì vậy, công an Mỹ Tho trở thành chủ công điều tra, phối hợp với công an tỉnh Tiền Giang và huyện Chợ Gạo truy tìm hung thủ.
Hiện trường các vụ trọng án xảy ra trong 40 ngày đều không để lại dấu vết liên quan đến Nam, ngoài dấu dép đạp lên máu anh Trần Trung Hoàng ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho.
Gia đình nạn nhân cho biết anh này mất xe máy, lắc, dây chuyền vàng với chiếc điện thoại iPhone 5. Số điện thoại của người chết được ghi cẩn thận vào sổ tay trinh sát dù mọi nỗ lực kết nối luôn ngoài vùng phủ sóng.
Nam thừa nhận gây ra 3 vụ cướp chấn động miền Tây sau 15 giờ đấu lý với cán bộ điều tra
Một tuần, hai tuần rồi một tháng trôi qua kể từ đêm 10/9, hung thủ đâm anh Hoàng 16 nhát vẫn là ẩn số. Rạng sáng 16/10, cách nơi anh Hoàng bị giết khoảng 1 km, người dân phường 9, TP Mỹ Tho giật mình thức giấc khi anh Lê Hoàng Thanh (xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho) đập cửa kêu cứu vì bị đâm 11 nhát.
Trước khi chết lái xe ôm 33 tuổi này nói rằng hung thủ là vị khách cao to, khoảng 20 tuổi, đón xe về hướng huyện Chợ Gạo.
Nhận định "sát thủ" rõ đường từ trung tâm TP Mỹ Tho ra các phường, xã ngoại thành. Cũng như vụ trước, mọi dấu vết về hung thủ không để lại hiện trường khiến công tác phá án gặp nhiều trở ngại.
Bốn ngày sau, địa bàn giáp ranh Mỹ Tho là xã Long Bình Điền của huyện Chợ Gạo xảy ra vụ giết người cướp tài sản. Nạn nhân là lái xe ôm Trần Văn Lâm (42 tuổi) ở ấp 1, xã Đạo Thạnh. Hiện trường cho thấy anh này bị đâm 6 nhát dao, gần nơi gục chết có dấu hiệu giằng co, xe máy biến mất.
Xâu chuỗi sự việc, cơ quan điều tra nhận định 3 nạn nhân có thể cùng chết dưới tay một hung thủ tàn bạo. Hơn chục trinh sát công an Mỹ Tho nhiều đêm thức trắng ở các phường, xã với quyết tâm bắt được kẻ gây án, không để thêm người vô tội nào phải mất mạng dưới tay "kẻ giấu mặt".
Từ các biện pháp nghiệp vụ, sáng 22/10, tia hy vọng đã lóe lên khi có cuộc gọi vô tình liên quan đến một trong những nạn nhân.
Thiếu tá Phan Nguyễn Tiến Nhật, đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Mỹ Tho cùng một trinh sát của đơn vị với một cán bộ PC45 Công an Tiền Giang lên đường đi TP.HCM. Tổ công tác này sau đó đã đến huyện miền núi Ninh Sơn, được công an sở tại với PC45 của tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ ém quân quanh thị trấn Tân Sơn.
Tại đây, hơn chục người liên quan đến manh mối duy nhất được mời lên làm việc và các trinh sát quyết định đeo bám một cô gái đã có chồng con. Bốn tháng trước cô gái 21 tuổi này giận gia đình, đón xe đò xuống TP.HCM chơi với bạn gái ở trọ tại quận Thủ Đức. Trong những ngày đi bụi, Nam cũng ở trọ gần đấy nên hai người kết thân.
Hết giận chồng, cô gái quay về Ninh Sơn. Nam ôm mối tình đơn phương, thường xuyên nhắn tin, điện thoại chia sẻ buồn vui với cô. Mỗi lần Nam đến thị trấn Tân Sơn, người bạn này đồng ý gặp mặt, uống cà phê, đi ăn rồi chia tay.
"Chỉ quan hệ chừng ấy thì người bạn này không rõ hết về nhân thân của Nam. Do Nam quá yêu thiếu phụ nên hay đi thăm và cho chiếc iPhone 5 cướp được của anh Hoàng", một cán bộ điều tra nói và cho biết nhà chức trách phải mất đến 8 giờ mới thuyết phục được cô gái này nói về Nam.
Đôi dép Nam khai mang theo trong 3 vụ án. Đôi dép này nghi can đạp lên vết máu để lại hiện trường khi giết anh Hoàng
Từ đây, cơ quan điều tra xác định chiếc iPhone 5 Nam tặng người tình đơn phương đã được sang tay nhiều người.
Lúc này, chỉ có cách "điệu hổ ly sơn" mới tìm được Nam vì thanh niên này không nghe lời ai ngoài người tình trong mộng. Gần 8h sáng 25/10, điện thoại của chị này bật lên thì tin nhắn của Nam xuất hiện, hẹn gặp nhau tại quán Suối Đá ở khu phố 7, thị trấn Tân Sơn.
Được mời hợp tác điều tra, lúc đầu Nam tỏ ra không biết gì và xuất trình chứng minh nhân dân không phải tên mình, nơi cư trú là Phan Rang - Tháp Chàm. Cuộc đấu lý vừa tình cảm, mềm dẻo nhưng không kém phần căng thẳng kéo dài suốt 15 giờ của cán bộ điều tra mới buộc Nam khai ra tên thật, quê quán và quá trình sát hại 3 người cướp tài sản. Tên này còn khai vừa ăn chơi hết tiền, định về Tiền Giang gây án tiếp thì bị bắt.
Tại cuộc họp chiều 27/10, Công an Mỹ Tho thống nhất đề xuất khen thưởng các cá nhân và tập thể tham gia phá án. Đó là đề xuất Bộ Công an khen thưởng thiếu tá Nhật và UBND tỉnh Tiền Giang khen thưởng thượng tá Nguyễn Văn Kiệm (Phó trưởng Công an TP Mỹ Tho) với tập thể Công an Mỹ Tho.
Ngày 4/1/1988, nhiều tháng sau khi vụ án xảy ra, phiên tòa xét xử được mong đợi nhất ở New York được mở.
Các công tố viên bắt đầu phiên tòa với những bằng chứng thu được tại hiện trường chứng minh Robert là kẻ gây án. Tuy nhiên, những bằng chứng đó chưa thực sự hoàn hảo, đủ để buộc tội Robert. Phía thẩm phán cũng khó chấp nhận những bằng chứng đó trước những lời biện hộ sắc bén của luật sư Litman.
Ngày 2/3, Jack Litman đưa ra danh sách năm nhân chứng có thể chứng minh Robert chỉ là nạn nhân, bao gồm tiến sĩ Tiến sĩ Ronald Kornblum, giám đốc phòng y tế của Los Angeles.
Chín ngày trôi qua sau đó, đoàn bồi thẩm căng thẳng trong việc đưa ra quyết kết luận Robert có tội hay vô tội. 8/12 thành viên trong đoàn bồi thẩm đã bỏ phiếu đồng ý với kết luận Robert vô tội. Dưới sức ép của dư luận, cuộc bỏ phiếu lần hai lại cho kết quả khác, 9/12 thành viên cho rằng Robert phạm tội ngộ sát.
Với tội danh ngộ sát, bản án dành cho Robet là 15 năm tù giam, hắn phả thi hành án ít nhất 5 năm mới đủ điều kiện xét ân xá. Ngoài ra, Robert còn phải chịu án do tội danh trộm cắp vào năm 1986.
Năm 1989, một bộ phim truyền hình với tên gọi Preppie Murder được dựng dựa trên câu chuyện của Robert. Bộ phim bị phía gia đình Jennifer và công tố viên Linda Fairstein phản đối mạnh mẽ.
Ellen Levin đau khổ bên ảnh con gái
Trong thời gian bị giam giữ, Robert đã vi phạm nhiều quy định của nhà tù, bảo gồm cả việc giấu ma túy trong người. Điều đó ảnh hưởng lớn đến điều kiện tạm tha của Robert. Tính cho đến tháng 9/2001, Robert vẫn còn bị giam tại nhà tù Auburn. Dự kiến Robert sẽ có mặt vào buổi điều trận xét tạm tha trong tháng 12/2002.
Ngày Valentin là ngày đặc biệt dành cho những người thân yêu của mình. Nhưng đối với gia đình Jennifer, ngày valentine năm 2003 là một ngày tồi tệ. Kẻ giết hại con gái họ sẽ rời khỏi nhà tù Auburn, New York với tư cách một người tự do. Khi đó, Robert mới 36 tuổi. Hắn đã thi hành đủ bản án 15 năm tù giam cho tội danh ngộ sát.
Việc Jennifer bị giết hại năm 1986 đã trở thành vụ án được quan tâm nhất ở thành phố New York. Nó phản ánh lối sống tình dục phóng khoáng của một bộ phận thanh niên hư hỏng. Vụ án là đề tài được nhắc đến nhiều của các tờ báo lá cải.
Ellen Levin, mẹ của Jennifer gần như sụp đổ khi con gái mình bị giết và bị coi là kẻ chủ động tấn công tình dục bạn trai mình. “Điều đó thật sự kinh khủng đối với gia đình tôi.” Ellen nói trong nước mắt.
Robert Chambers bị bắt vào năm 2007
Nhiều năm sau cái chết của Jennifer, Ellen đã thu thập được rất nhiều những chữ ký và mang chúng đến buổi điều trần tạm tha Robert, theo cô Robert chưa bao giờ thể hiện sự hối hận về những gì mình đã làm với Jennifer.
Phyliss Chambers, mẹ của Robert, là một người nhập cư Ireland. Trước khi Robert pham tội giết người, cô luôn hi vọng hắn sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt hay một chính trị gia nổi tiếng. Cô cũng nổ lực hết mình để có dược sử ủng hộ của dư luận với mong muốn Robert sớm được tự do.
Thời gian sau đó, vụ án giết hại Jennifer đã tạm lắng xuống, không còn nhiều người quan tâm đến cuộc sống của Robert cho đến ngày hắn bị bắt tại căn hộ của mình.
Gần như tất cả mọi người sống trong khu nhà cao cấp tại đường E.57 giữa thị trấn Manhattan đều nghi ngờ nhũng gì đang diễn ra trong căn hộ tầng thứ 17. Trong nhiều tháng qua, căn hộ này thường xuyên có người lạ lui tới, họ ở lại qua đêm hay thậm chí đến trong vài phút. Hàng xóm đã phàn nàn nhiều về việc này, cảnh sát quyết định điều tra.
Tối ngày 22/10/2007, khi cảnh sát đột nhập vào bên trong căn hộ, họ đã phát hiện một lượng ma túy lớn. Chủ căn hộ là Robert Chambers, 41 tuổi và bạn gái hắn, Shawn Kovell, 39 tuổi. Cả hai đã sống với nhau từ năm 2003. Với số ma túy quá lớn như vậy, tương lai được kỳ vọng của mẹ Robert hoàn toàn bị sụp đổ. Robert sẽ phải sống trong nhà giam suốt đời với bản án chung thân của mình.
Support Online