Mất mạng vì chó
Trước đây, nạn trộm chó thường chỉ dẫn đến chuyện người dân bức xúc khi bắt được kẻ trộm, đánh hội đồng gây nên án mạng, nhưng thời gian gần đây lại xảy ra thêm chuyện ngược lại và đau lòng hơn nhiều: Kẻ trộm chó bị bắt quả tang lại quay ra sát hại người truy đuổi để hòng thoát thân, thoát tội.
Vụ án đau lòng mới xảy ra rạng sáng 21.1.2015 tại nhà ông Nguyễn Xuân Cường (56 tuổi, ở xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, Gia Lai) làm 2 người chết, 2 người bị thương. Kẻ gây ra thảm án là đối tượng Nguyễn Văn Tiến (23 tuổi, trú cùng huyện).
Theo lời khai ban đầu của đối tượng này, Tiến đột nhập nhà ông Cường với mục đích ban đầu là trộm chó. Nhưng khi bị ông Cường phát hiện, lao vào đuổi bắt, Tiến đã rút dao đâm nhiều nhát vào ông Cường nhằm thoát thân khiến ông Cường tử vong.
Phát hiện chồng bị sát hại, vợ ông Cường lao vào giằng lấy dao cũng bị Tiến đâm trọng thương. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (con ông Cường) mở cửa tri hô liền bị Tiến đâm trúng tim tử vong. Mẹ ông Cường dùng gậy đánh Tiến liền bị đối tượng đạp gục ngã tại chỗ....
Theo nhận định của các luật sư ở Liên đoàn Luật sư Việt Nam, với tội ác gây ra như vậy, Nguyễn Văn Tiến khó tránh khỏi mức án cao nhất là tử hình.
Trước đó vào cuối tháng 12.2014, TAND TP.HCM đã xử lưu động vụ trộm chó tại xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi (TP.HCM). Tòa đã tuyên phạt bị cáo Hồ Văn Hiếu (SN 1994, ở Hóc Môn, TP.HCM) mức án tử hình về tội giết người, 7 năm tù về tội trộm cắp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Ba đồng phạm của Hiếu bị tuyên phạt 10 - 12 năm tù về tội trộm cắp tài sản.
Trong vụ án này đối tượng Hiếu là kẻ đầu vụ có hành vi sát hại 3 người bằng súng tự chế trong lúc bị truy đuổi.
Cũng phải chịu mức án tử hình còn có “cẩu tặc” Nguyễn Xuân Hiển (36 tuổi, trú ở Lãm Làng, Vân Dương, TP.Bắc Ninh). Vào một ngày tháng 10.2012, Hiển và Nguyễn Đức Biên (30 tuổi, trú tại Xuân Bình, Đại Xuân, Quế Võ, Bắc Ninh) rủ nhau đi trộm chó. Đối tượng Biên mang theo kích điện, cần câu chó, dao tự chế, phớ, còn Hiển mang theo 1 khẩu súng với 3 viên đạn.
Thấy con chó của nhà anh Nguyễn Trung Hiếu (cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh) buộc trước cửa nhà ở khu đô thị An Huy, TP.Bắc Ninh, Biên tiếp cận, cắt dây buộc chó. Anh Hiếu phát hiện đuổi theo, dùng gậy vụt Biên. Thấy vậy, Hiển rút súng bắn trúng ngực khiến anh Hiếu tử vong sau đó.
Bên cạnh những vụ kẻ trộm chó manh động, điên cuồng chống trả người truy đuổi thì những vụ cả làng đánh chết kẻ trộm chó vẫn liên tiếp xảy ra như ở Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa...
Chỉ riêng ở Thanh Hóa, theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh này, từ năm 2012 đến nay đã có 22 đối tượng bị đánh chết vì trộm chó.
Trộm chó làm nảy sinh nhiều tội khác
Theo LS Đỗ Viết Hải (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), tội phạm trộm chó không được ngăn chặn đã khiến các loại tội phạm khác như giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản phát sinh theo. Nhiều người dân vốn không có ý thức phạm tội, nhưng chỉ vì bức xúc nhất thời đã vào hùa với nhau, ra tay đánh chết kẻ trộm chó khiến bản thân lâm vào vòng lao lý.
Vào tháng 10.2014, theo quyết định của TAND Tối cao, 6 bị cáo người làng Nhĩ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, Quảng Trị phải chấp hành án tù vì tội cố ý gây thương tích. Có khoảng 150 người làng Nhĩ Trung cùng đưa các bị cáo từ nhà đến trại tạm. 6 bị cáo vốn là những người dân hiền lành, nhưng do không kìm được bức xúc đã ra tay đánh chết 2 đối tượng nghi trộm chó, nên mỗi người đã phải lĩnh 2 năm tù.
Chuyện trộm chó không chỉ làm phát sinh tội phạm khác mà còn gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng khi xử lý khi hậu quả phát sinh sau đó. Như trong vụ đánh chết trộm chó ở làng Nhĩ Trung, vào tháng 11.2013, TAND Quảng Trị đã mở phiên sơ thẩm nhưng phải trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung vì nhiều người cùng nhận đã đánh chết 2 nghi can trộm chó. Sau đó các cơ quan tố tụng mới xác định có 10 người tham gia vào vụ việc.
Hay như vụ việc xảy ra hồi tháng 9.2013, khi cơ quan CSĐT - Công an huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang khởi tố 7 người của thôn Danh Thượng 2, xã Danh Thắng (huyện Hiệp Hòa), vì đánh chết 2 nghi can trộm chó, hàng trăm người dân trong thôn đã ký vào đơn tự nhận mình đã đánh chết người.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh): Cần có chế tài riêng cho hành vi trộm chó
Theo pháp luật hiện hành, để khởi tố một đối tượng trộm chó là rất khó, bởi theo Điều 138 Bộ luật Hình sự thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trộm tài sản khi tang vật thu giữ có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên (trong khi một con chó ít khi có giá đến 2 triệu đồng) nên phần lớn các đối tượng trộm chó chỉ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP.
Các đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp cũng có thể bị truy cứu dù tang vật dưới mức cho phép, nhưng để xác định có phải là chuyên nghiệp hay không thì phải bắt quả tang 5 lần. Với chế tài đó thì không có tính răn đe đối với các đối tượng trộm chó, vì vậy việc tái phạm của các đối tượng là dễ hiểu.
Đối với những người dân đánh hội đồng gây ra cái chết với người trộm chó cũng vậy, rất khó xử lý bởi đây là hành động bột phát do không kiểm soát được cảm xúc cộng với tâm lý đám đông. Khi người dân đã cố tình cùng nhận tội tập thể thì cơ quan chức năng rất khó xác định những người trực tiếp phạm tội. Đã không ít vụ đánh chết các đối tượng trộm chó, cả làng từ người già đến trẻ em ký vào đơn xác nhận đánh chết đối tượng nên thường các vụ án này đều vào ngõ cụt.
Rõ ràng, mâu thuẫn giữa người dân và các đối tượng trộm chó là rất lớn và trong tương lai gần sẽ tiếp tục xảy ra những vụ việc kiểu này. Những hành vi phạm tội như bắn, chém người truy đuổi, người truy đuổi tự xử kẻ trộm chó đang xảy ra trong xã hội văn minh khiến chúng ta thực sự phải suy nghĩ. Các cơ quan chức năng nên sớm soạn thảo và ban hành chế tài dành riêng cho hành vi trộm chó, trong đó cần tăng mức xử phạt với hành vi này để đủ sức răn đe kẻ xấu.
Thắng Quang (ghi)
Luật sư Nguyễn Thanh Sơn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Khó xử lý vì giá trị thấp
Ở làng quê thường người dân hay thả rông chó, nên những kẻ trộm cắp vặt dễ ra tay trộm cắp. So với việc trộm những tài sản khác như xe máy hay những vật dụng trong gia đình, con chó vừa dễ lấy trộm lại vừa dễ tiêu thụ hơn. Sau khi con chó bị bán ra nhà hàng giết thịt, tang vật bị tẩu tán hoàn toàn. Còn như trộm chiếc xe máy, hoặc các đồ đạc khác ngoài việc khó tiêu thụ, khi tiêu thụ xong thì vẫn để lại dấu vết, dễ bị lần ra.
Những kẻ câu trộm chó trong trường hợp bị bắt, khi đưa ra cơ quan pháp luật thì với trị giá tài sản lấy trộm chưa đủ 2 triệu đồng (thường giá một con chó khoảng trên dưới 1 triệu đồng) thì không thể xử lý hình sự. Kể cả trước đó kẻ trộm có thể gây ra hàng chục vụ trộm chó, nhưng không có chứng cứ thì khó ép chúng nhận tội để đủ mức xử lý hình sự.
Chính vì thế dù có bắt quả tang kẻ trộm chó, thường cũng chỉ xử lý chúng về mặt hành chính, phạt tiền rồi cho về. Người dân biết vậy dĩ nhiên là bức xúc, dẫn đến manh động.
Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Người dân càng manh động, kẻ trộm càng hung hãn
Pháp luật hình sự quy định cho tội trộm cắp tài sản với mức lấy trộm giá trị từ 2 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. So sánh với thời giá hiện tại tôi thấy hoàn toàn hợp lý.
Một con chó bình thường hiện tại giá cũng chỉ vài trăm đến khoảng 1 triệu đồng, nhưng khi bị mất trộm gây ra sự bức xúc rất lớn cho người dân. Bởi con chó là vật nuôi gần gũi gắn với đời sống văn hóa của người dân nói chung từ bao đời nay. Mất bao nhiêu công lao nuôi con chó mới lớn nên khi chó bị câu trộm, người ta có cảm giác như một thành viên của gia đình bị xâm hại nên thường căm phẫn nung nấu ý định trả thù khi tóm được kẻ trộm.
Cần phải nói thêm trong số đó cũng có những người ít va chạm, thiếu hiểu biết pháp luật. Thêm nữa, họ thường suy nghĩ cả làng cùng đánh thì chính quyền không biết ai, vì thế tính mạng những người trộm chó càng nguy hiểm. Và cũng vì thế, kẻ trộm chó trở nên nguy hiểm, hung hãn hơn khi bị truy đuổi.
Kết Lương (ghi)
Support Online
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét