Lẽ thường, gia đình bị hại chỉ mong bị cáo nhận hình phạt thật nặng để thỏa lòng phẫn uất. Nhưng ở phiên tòa đặc biệt này, cha mẹ nạn nhân lại nhiều lần khẩn thiết “mong tòa xử thật nhẹ”.
Trái ngang chuyện tình con trẻ
Bất cứ ai cũng không thể nhân danh tình yêu để tự cho mình cái quyền tước đoạt sinh mạng dù là của người khác hay của bản thân. Đó là tình yêu ích kỷ! Trong chuyện tình yêu, khi một người lựa chọn buông tay, người còn lại ắt hẳn sẽ rơi vào trạng thái đau đớn, mất mát. Thế nhưng mỗi người lại có một cách đối mặt riêng. Người chấp nhận có khi khóc hết nước mắt cho cạn nỗi buồn và tìm cách lãng quên. Người không chấp nhận thì tìm đủ mọi cách để níu kéo. Đáng sợ nhất là những người mưu cầu tình cảm bằng cách hủy hoại bản thân và người mình yêu. Khi ấy, tình yêu sẽ trở thành thù hận.
Và chuyện tình giữa cô gái Trần Thị Thanh Trúc và Trương Thanh Phát mà chúng tôi sắp kể dưới đây là một trường hợp như thế.
Bị cáo Phát trước vành móng ngựa
Trúc là con gái lớn trong gia đình có 3 người con, còn Phát là anh cả của 3 đứa em. Cách đây 11 năm, mẹ Trúc không may bị tai nạn khiến bệnh tật đeo đẳng, phải thuốc thang quanh năm. Kinh tế gia đình đều dựa vào số tiền công ít ỏi từ việc bốc vác hàng hóa ở bến xe Đà Nẵng của ba Trúc.
Trong khi đó gia đình Phát cũng khó khăn chẳng kém khi đồng lương thợ sơn của ba Phát vô cùng bấp bênh, phụ thuộc vào các công trình xây dựng bữa có bữa không. Nhà Trúc ở phường Chính Gián, nhà Phát ở phường Thanh Khê Đông (cùng thuộc quận Thanh Khê), cách nhau chẳng bao xa. Trúc kém Phát 2 tuổi, cả hai từng học chung trường thời THPT. Không đậu đại học, đôi bạn trẻ lao vào cuộc sống mưu sinh để đỡ đần cha mẹ. Trúc xin làm ở một tiệm vẽ móng tay nghệ thuật, còn Phát theo cha sơn vôi ở các công trình xây dựng.
Một lần tình cờ, cả hai gặp lại nhau khi đi lễ tại một nhà thờ. Ngay lần chạm mặt đầu tiên, trái tim của đôi trẻ loạn nhịp và chuyện tình yêu ngang trái này cũng bắt đầu từ đó.
Mỗi sáng, Phát đều đặn chở Trúc đến chỗ làm. Chiều đến, Phát lại đón người yêu về, cùng nhau ăn cơm rồi tay trong tay dạo phố. Hôm nào Phát không đưa đón được, Trúc vẫn giữ thói quen ghé nhà bạn trai, đợi Phát về cùng ăn tối. Thấy đôi trẻ quấn quýt, tình cảm mặn nồng, ba Phát chủ động gọi cho ba Trúc để tác hợp cho hai con. Được sự chúc phúc, vun vén của hai bên gia đình, tình cảm của họ ngày càng mặn nồng. Để dành được một khoản tiền, cả hai hồ hởi đi đặt tiệc cưới tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Tri Phương.
Tưởng như mối tình đẹp của Phát và Trúc sẽ đơm hoa kết trái bằng một đám cưới đầm ấm vào cuối năm. Nhưng nghiệt ngã thay, cái kết viên mãn đó đã không xảy ra khi gia đình bên ngoại của Trúc bỗng dưng đề nghị đình chuyện hôn lễ vì cho rằng cháu mình xinh xắn như thế, phải gả vào một nơi nhà cao cửa rộng mới xứng. Thế là nhà ngoại cô gái lập tức mai mối Trúc cho một anh chàng Việt kiều.
Thương bạn gái phải giằng xé giữa chữ “Tình” và chữ “Hiếu”, Phát chấp nhận rút lui và không quên tặng Trúc chiếc váy cưới như món quà chia tay và chúc phúc cho người mình yêu.
Mặc dù luôn tự nhủ Trúc sẽ có cuộc sống sung sướng hơn khi rời xa mình nhưng Phát vẫn không sao ngăn bản thân ngừng quan tâm đến người con gái anh yêu bằng cả trái tim. Và chính sự yêu thương ấy đã đẩy Phát vào tận cùng đau đớn khi phát hiện Trúc mặc chiếc váy mình tặng trong đám cưới cùng người bạn trai cũ chứ không phải anh chàng Việt kiều như mọi người vẫn tưởng.
Trong cơn tức giận vì nghĩ mình bị lừa dối, Phát nảy sinh ý định giết chết Trúc rồi tự vẫn để cả hai được bên nhau dưới suối vàng. Phát mang theo một con dao, mua xăng rồi chạy đến nơi làm việc của người yêu trên đường Bùi Xuân Phái (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) để nói chuyện.
Kết thúc cuộc nói chuyện ấy là ngọn lửa ngùn ngụt bốc lên khiến hai người bị bỏng nặng. Phát được cứu sống nhưng Trúc thì không may mắn được như thế.
Quan trọng nhất là tình người
Di ảnh cô gái xấu số
Nhận định hành vi phạm tội của Phát có sự chuẩn bị từ trước, lại thực hiện quyết liệt nên TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phát mức án tử hình về tội “Giết người”. Sau đó Phát kháng cáo. Gia đình bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Phát.
Phát ra tòa lần hai, vẫn đôi mắt đỏ hoe, vẫn bàn tay miết chặt nơi vành móng ngựa. Những lời khai ở phiên tòa sơ thẩm một lần nữa lặp lại ở phiên tòa phúc thẩm do Tòa phúc thẩm TAND Tối cao thành phố Đà Nẵng xét xử.
“Bị cáo thấy Trúc đau khổ khi bị gia đình ngăn cấm, không cho hai đứa đến với nhau. Bị cáo đồng ý chia tay để Trúc kết hôn với Việt kiều Mỹ như mong muốn của gia đình cô ấy. Nhưng thực tế, Trúc lại nối lại tình cảm với người yêu cũ. Bị cáo cảm thấy mình bị lừa dối, phản bội!”, Phát cứ nức nở, đôi mắt u buồn giữa hàng trăm ánh nhìn của người dự khán. “Bị phản bội” là cụm từ được bị cáo nhắc đi nhắc lại trong từng câu nói như một cách để bị cáo bám víu, tự bào chữa cho tội lỗi của mình.
Trong ngôi nhà vẫn còn nghi ngút khói hương con gái, cha mẹ Trúc không giấu nổi sự đau đớn khi nghĩ về cái chết của con gái. Dù vậy, họ vẫn không buông ra những lời mạt sát, chửi rủa kẻ đã gây ra bi kịch.
Ông Bình (cha của Trúc) nghẹn ngào nói: “Có người làm cha, làm mẹ nào không đau đớn trước sự ra đi đột ngột của con mình. Chúng tôi rất giận thằng Phát, sao nó có thể vì ghen tuông mà cướp đi mạng sống của người khác như vậy. Nhưng dù sao, con gái tôi cũng đã mất rồi, giờ có xét xử Phát như thế nào thì Trúc cũng không thể sống lại được. Chúng tôi mong mọi người mở lòng nhân đạo, cho Phát một con đường sống, được trở về làm lại cuộc đời. Cháu nó còn quá trẻ, còn cả tương lai phía trước!”.
Mặc dù đã có luật sư, đã gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Phát nhưng ông Bình vẫn lo sợ người ta không hiểu lòng ông. Bởi vậy cả hai lần, ông đều lặn lội đến tòa để trực tiếp trình bày tấm lòng của mình với niềm hy vọng về một con đường sống cho Phát.
Sau một lúc trầm tư như đang cố nén nỗi đau, ông đắng đót nói: “Trước hôm con bé nhà tôi mất, nó còn khoe với mẹ là mới nhận lương rồi tíu tít hỏi mẹ thích ăn gì để đi mua. Vậy mà…”.
Đôi bàn tay bấu chặt, ông ghìm sự xúc động, nói tiếp: “Gia đình tôi mất con là nỗi đau không gì bù đắp nổi. Nhưng tòa tuyên án tử thằng Phát thì con bé cũng chẳng thể sống lại, mà thêm một gia đình phải trải qua nỗi đau như chúng tôi. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này là tình người, tôi mong thằng Phát có cơ hội làm lại cuộc đời. Thằng bé còn quá trẻ, còn dại dột lắm!”.
Hôm ra tòa, người cha cũng nói như thế khiến cả phòng xử án lặng đi. Nước mắt nhòe nhoẹt trên gương mặt ngập tràn sự day dứt, hối tiếc của bị cáo. Giờ nghị án, bà nội của Trúc tiến về phía bà ngoại của Phát, ân cần thăm hỏi, động viên. Gia đình bị hại và gia đình bị cáo tưởng chừng như luôn ở hai phía chiến tuyến bị cách ngăn bởi rào cản thù hận lại chia sẻ những cái ôm siết, những giọt nước mắt, những câu chuyện. Chốn pháp đình vốn ngột ngạt bỗng ấm áp lạ thường bởi tình người với người đang nhẹ nhàng lan tỏa. Mong sao những tấm lòng bao dung ấy sẽ giúp Phát quay về nẻo thiện, làm lại cuộc đời…
Đến cuối phiên tòa, tấm lòng của ông Bình cũng được tòa xem xét, tuyên giảm mức án tử hình xuống tù chung thân đối với Phát. Cánh cửa cuộc đời những tưởng đã khép chặt vĩnh viễn trước mắt gã thanh niên nông nổi, nay lại một lần nữa được mở ra nhờ vào lòng bao dung của gia đình bị hại. Một điều hiếm có trong những vụ án giết người đã xảy ra.
Có mặt chứng kiến toàn bộ phiên tòa xét xử, chúng tôi không khỏi xúc động khi cha mẹ kẻ sát nhân tiến đến nắm tay thật chặt, đôi mắt nhòa lệ cảm ơn gia đình bị hại. Giá như Phát biết cân nhắc hành động của mình thì hôm nay, hạnh phúc đã không tuột khỏi tầm tay.
Support Online
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét