Lén lút trồng cần sa
Cây cần sa có tên gọi khác là gai dầu, gai mèo, đại ma...trong thành phần có chất Tetrahydrocannabinol. Đây là loại chất kích thích thuộc danh mục các chất ma túy rất độc, bị nghiêm cấm.
Việc sử dụng cần sa trong công tác kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học cũng phải tuân theo quy định chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, cần sa là loại cây bị cấm trồng trọt, chế biến, tiêu thụ... dưới bất kỳ hình thức nào ở nước ta.
Công an nhổ bỏ, thiêu hủy cây cần sa
Những năm qua, trên địa bàn TP.HCM, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp người dân lén lút trồng cần sa ngay tại vườn nhà, xen kẽ với các loại cây khác.
Đơn cử như vào năm 2004, Công an huyện Bình Chánh phát hiện tại vườn mía ở ấp 3, xã Bình Lợi có gần 1.500 cây cần sa được trồng khá tươi tốt. Trên diện tích đất 1000 mét vuông, người trồng “ngụy trang” bằng cây bông cúc. Hay như việc Công an quận 2 bắt giữ gần 1000 bịch ươm cây cần sa non và 10kg cần sa đã thu hoạch ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Gần đây, vào ngày 27/5, một trường hợp người nông dân do thếu hiểu biết bị kẻ xấu lợi dụng trồng cần sa bị cơ quan chức năng huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang phát hiện. Tại khu đất vườn xoài sát bìa rừng, ông Phan Thanh Long (49 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) trồng hành trăm cây cần sa xen kẽ cây xoài. Ngoài ra còn nhiều cây ươm non khác.
Làm việc với cơ quan điều tra, ông Long khai nhận được một người ở Cần Thơ đưa hạt giống cho trồng và hai bên thỏa thuận chia lợi nhuận sau khi thu hoạch.
Trồng cần sa để… chữa bệnh
Bên cạnh những đối tượng chủ đích trồng cần sa để bán thì còn có một số nông dân vô tình vi phạm pháp luật vì sử dụng loại cây bị nghiêm cấm này với mục đích cho gia súc ăn cho… chóng lớn, hay thậm chí để chữa bệnh.
Vào tháng 3/2014, tại ấp Phụng Quới A, thị trấn Thạnh An, Công an huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ thu giữ 45 cây cần sa được nông dân tại đây trồng cao gần 3 mét. Khi được hỏi có biết loại cây bị nghiêm cấm này là cần sa hay không thì những người trồng đều lắc đầu. Họ được cho hạt giống mang về trồng với mục đích cho gà, vịt, heo ăn để phòng một số bệnh và tăng trọng nhanh.
Một trường hợp khá hi hữu nữa là của ông Đoàn Minh Hưng (55 tuổi, ngụ quận Thủ Đức). Chiều ngày 11/6 Công an phường Hiệp Bình Phước phát hiện tại khu vực bãi đất trống trong hẻm 716 Quốc lộ 13, phưởng Hiệp Bình Phước có 26 cây cần sa được trồng cao 2,5 mét khá tươi tốt. Ngoài ra cơ quan chức năng còn thu giữ 11 cây cần sa khô, dài 80cm đã thu hoạch. Tổng trọng lượng cần sa bị thu giữ gần 30 kg.
Hàng chục cây cần sa tươi tốt ông Hùng trồng
Công an xác định số cần sa trên do ông Hùng trồng từ nhiều tháng trước. Thời điểm sau khi bị công an thu giữ số cần sa trên, ông Hùng phải vào bệnh viện điều trị bệnh.
Theo vợ ông Hùng cho biết, ông mắc chứng bệnh đau dạ dày và thấp khớp. Gia đình đưa ông đi chữa bệnh nhiều nơi nhưng vẫn không thuyên giảm. Tình cờ ông được một người quen mách nước và cho hạt giống về trồng.
Người quen này không nói là cây cần sa và ông Hùng cũng chưa từng biết đến loại cây này nên ươm trồng như cây thuốc chữa bệnh. Thoạt đầu ông Hùng sử dụng cây cần sa khô đắp thấy đỡ nên nhân giống để sử dụng, cho đến khi bị công an địa phương lập biên bản thu giữ và cho biết ông đã trồng cần sa trái phép thì ông mới… ngã ngửa.
Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM, trong trường hợp người trồng cần sa để chữa bệnh chứ không vì mục đích kinh doanh, lợi nhuận thì cơ quan chức năng có thể tiến hành nhắc nhở, xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm. Đối với những người cho hạt giống thì trách nhiệm hình sự cũng phải được xem xét đến theo điều 194 Bộ luật Hình sự.
Support Online
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét