Bất ngờ, tiếc thương nhưng cũng đầy tự hào là cảm xúc của người thân, đồng đội Trung tá Đặng Thành Chung (huấn luyện viên dù 48 tuổi) và các chiến sĩ gặp nạn trên chiếc trực thăng Mi 171 sáng 7/7.
Sáng 8/7, ngõ 162 Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) quẩn quanh nỗi buồn khi một cư dân đã mãi mãi ra đi. Anh là Trung tá Đặng Thành Chung, Đội trưởng đội cứu hộ hàng không, huấn luyện viên dù (Quân chủng Phòng không Không quân), có mặt trên chiếc trực thăng Mi 171 gặp nạn.
2 bố con trung tá Chung
Hai ngày nay, bé Nhím (tên ở nhà của Linh Chi - con gái thứ hai anh Chung) luôn miệng hỏi sao bố chưa về. "Nghe cháu nói vậy cả nhà rất đau lòng, chỉ biết nói với cháu là bố bị thương, đang điều trị tại bệnh viện. Ước mơ của Nhím là được nhảy dù như bố", em Vũ Thế Trung (cháu ruột anh Chung) chia sẻ.
Biết tin tai nạn vào khoảng 8h sáng 7/7, anh Đặng Phước Lợi (anh ruột Trung tá Chung) đang đi công tác lập tức chạy xe về Hòa Lạc.
"Khi đến nơi, em tôi cùng đồng đội đã được đưa vào Bệnh viện 105 cấp cứu", anh Lợi kể, "những người tham gia cứu nạn nói Chung là một trong những người được cứu ra đầu tiên và vẫn cố gắng thều thào vài câu. Khi được cấp cứu tại Viện, gia đình vẫn hy vọng, nhưng đến chiều, trong số 5 người chuyển viện không có em Chung. Tôi biết em đã mất", anh Lợi ngấn nước mắt.
Trong câu chuyện về em trai mình, anh Lợi không giấu niềm tự hào. Sea Games 21 tại Việt Nam, anh Chung là người mang lá cờ Tổ quốc gắn trên chiếc dù, để máy bay đưa lên bầu trời trong buổi khai mạc. "Nhiều năm công tác trong ngành và được tập huấn tại Nga về tìm kiếm, cứu nạn dù, em luôn được đánh giá là một trong những huấn luyện viên dù xuất sắc của Quân chủng", anh Lợi nói.
Nghe tin con hy sinh, bố mẹ anh Chung ở Thái Nguyên rất sốc. "Vì sức khỏe nên hai ngày nữa bố mẹ tôi mới xuống được", anh Lợi cho hay.
Giây phút anh Chung dạy nhảy dù
Cùng công tác trong Quân chủng Phòng không Không quân, anh Bảo (anh vợ Trung tá Chung) ngậm ngùi cho biết Đặng Thành Chung bắt đầu công tác tại Quân chủng năm 1986, được đánh giá là một trong những huấn luyện viên dù có năng lực và dày dặn kinh nghiệm.
“Sự hy sinh của Chung là mất mát lớn với gia đình. Nhưng chúng tôi cũng rất đỗi tự hào về một người con, người em, một người cha, người chồng như Đặng Thành Chung. Chú ấy và các đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Sự hy sinh ấy là một hành động dũng cảm”, anh Bảo xúc động.
Ông Nguyễn Hữu Nam thành viên Câu lạc bộ Dù Hà Nội - Vietwings cho hay, anh Chung là người đồng sáng lập và là giáo viên dạy nhảy dù, dù lượn cho hàng trăm thành viên. Anh rất đam mê bay và luôn sống nhiệt thành. "Anh ra đi không chỉ là mất mát, nỗi buồn lớn với gia đình, đơn vị mà còn của Câu lạc bộ dù và cá nhân tôi", anh Nam nói.
Lễ truy điệu các chiến sĩ tử nạn trong vụ máy bay rơi sẽ diễn ra vào sáng 12/7, tại Nhà tang lễ Viện Quân y 108.
Các bài viết liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét