Nằm sâu trong con hẻm trên đường Lê Văn Khương (quận 12, TP.HCM), căn nhà ông Tống Văn Thơm nhìn vào chẳng khác một vựa ve chai nhỏ. Rất nhiều vật dụng như: đầu đĩa, điện thoại, tivi, lon bia, lồng đèn, đồng hồ, chai nhựa… được ông bày biện khắp nhà. Những vật dụng ngổn ngang ấy khiến ai lần đầu đến đây đều cảm thấy ngột ngạt. Thế nhưng, ít ai biết những thứ ve chai đó có giá trị hơn một tỷ đồng.
Rất nhiều vật dụng được ông bày biện khắp nhà khiến ai lần đầu đến đây đều cảm thấy ngột ngạt.
Học hết lớp 3 biết sửa điện
Sinh năm 1951 tại Bến Tre, do cuộc sống khó khăn nên ông Thơm chỉ học đến lớp 3 rồi đành bỏ dở để phụ giúp gia đình kiếm sống. Từ việc làm thuê, bưng bê hủ tiếu đến vác mướn ông đều không quản ngại. Những năm 1970, khi về làm công nhân đóng tàu tại Sài Gòn, do sức khỏe yếu lại thường hay lặn xuống sâu để sửa chữa tàu, nên ông quyết định chuyển sang nghề thu gom rác dân lập. Tính đến nay, ông Thơm đã gắn bó với nghề được hơn 40 năm.
“Công việc thu gom rác cũng bấp bênh, nhiều lúc gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, tôi phải đành bán nhà ở chợ Hòa Bình di dời ra ngoại thành để có tiền nuôi con ăn học. Giờ con cái cũng đã ổn định, có đứa đã học lên thạc sĩ” - ông Thơm nói.
Chính việc hằng ngày phải tiếp xúc với rác, phế liệu đã khiến ông Thơm nảy sinh ý tưởng tái chế các món phế liệu thành vật dụng hữu ích. Ông bắt đầu từ việc thu nhặt đồ phế thải từ kho phế liệu, mua từ đồng nghiệp đem về tái chế. Từ những đầu đĩa bỏ đi, lon bia, hộp sữa, máy cassette, tivi… ông mày mò tìm cách “tái sinh” chúng thành những đồ vật độc đáo và sử dụng được.
Thế nhưng, ít ai biết những thứ ve chai đó có giá trị hơn một tỷ đồng. Trong ảnh, ông Thơm thu mua, nhặt các vỏ đạn tự tái chế thành mô hình xe tăng.
Đồng tiền cổ 12 con giáp được ông Thơm thu mua, nhặt và tái chế thành sản phẩm khá thú vị. Theo ông Thơm nhiều người tới trả các đồng tiền này giá rất cao nhưng ông không bán.
Năm 2004, nghiệp đoàn rác TP.HCM được thành lập, ông Thơm được bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn Rác dân lập quận 5, quản lý 15 phường với gần 170 nhân viên. Ngày làm việc của một công nhân vệ sinh môi trường như ông Thơm bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc lúc 15h chiều. Sau đó, ông Thơm sẽ thu nhặt đồ phế thải và đem về nhà bắt đầu công việc tái chế.
“Mấy người làm rác sống chính nhờ ve chai, nhưng thời gian gần đây ve chai rớt giá lại thêm nhiều người lượm phế liệu nên cuộc sống của những người nhặt rác cũng bấp bênh. Tôi may còn sống nổi là nhờ nghề tay trái sửa chữa điện, mỗi tháng cũng kiếm được 2-3 triệu đồng” - ông Thơm chia sẻ.
Công việc tay trái mà ông Thơm nói là bán những đồ tái chế nhỏ trị giá mấy trăm nghìn đồng do ông làm ra. Đa phần các món đồ này biết “hát”, phát nhạc nghe vui tai. Ngoài ra, hàng xóm có đồ điện tử gì hư hỏng lại đem qua cho ông sửa, mỗi lần trả công 50.000-100.000 đồng. Có những thiết bị điện bên ngoài “bó tay” hàng xóm lại mang về cho ông sửa chữa. Theo ông, không phải thợ điện bên ngoài không có cách sữa nhưng vì những thiết bị điện tử nó không có hoặc sửa tốn công nhưng không được bao nhiêu tiền nên họ từ chối.
Gia tài ve chai tiền tỷ
Trong hơn 2.000 món đồ tài chế có khoảng 1.000 sản phẩm được nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng ông Thơm chưa bán. Tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Trong số đó phần lớn là đồ điện tử đời cũ như: máy quay đĩa, máy chụp hình, cassette, radio, tivi, máy chiếu... được ông làm “sống” lại.
Chiếc máy cassette có xuất xứ từ những 50-60 được ông Thơm tái chế và đã hát được. Theo ông Thơm có người tìm đến mua máy cassette với giá 20 triệu đồng nhưng ông không bán.
Chiếc điện thoại quay số cổ được ông Thơm nhặt ở bãi rác đem về nhà làm “sống lại. Theo ông Thơm, lúc nhặt chiếc điện thoại bàn này chỉ còn có lõi bên trong. Sản phẩm này cũng có người tới trả giá 30 triệu đồng nhưng ông chỉ để trong nhà chiêm ngưỡng chứ không bán.
Đặc biệt, trong “gia tài” đó có nhiều món đồ rất giá trị như: cây đàn xếp được một người Pháp trả giá 45 triệu đồng; những cây đàn organ đời đầu với hơn 30 năm tuổi có giá 20 - 30 triệu đồng; bộ hươu cao cổ, nai làm bằng rễ cây được một Việt Kiều mua 600 USD; con rồng làm bằng rễ cây giá 17 triệu; bộ sưu tập tiền cổ các niên đại lượm lặt từ rác giá 5 triệu đồng... cùng vô vàn đồ điện tử đời đầu của Nhật, Mỹ có giá từ 4 - 5 triệu đồng.
Trong các món đồ được tái chế có chiếc máy quạt trần mà theo ông Thơm là “độc nhất vô nhị”, bởi chiếc quạt này được kết hợp với đèn cảnh được chế từ kính mica của xe hơi. Khi xoay nó sẽ là chiếc quạt trần, khi ngừng cánh quạt sẽ cụp xuống thành bóng đèn chùm. Ông Thơm cho biết, việc uốn những cánh quạt này rất khó vì phải dùng máy khò để uốn cong, nếu cắt lệch các cánh với nhau khoảng 1 cm thì quạt sẽ không quay và không cụp.
Trên tường nhà, nhiều kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen vinh danh chủ nhân tái chế rác
Biết được ông Thơm có nhiều vật tái sinh có giá trị nhiều tay “cò” liên tục đến “thăm”. Tuy nhiên, ông không bán. Ông Thơm nói: “Những người này thường mua đồ điện tử rồi bán lại cho các đại gia, quán cà phê, khách sạn, nhà hàng. Hay nhiều người khác muốn trưng bày mấy đồ điện tử đời cũ như: máy quay đĩa, radio, TV... cho độc đáo, hoài cổ cũng tìm mua. Mấy sản phẩm của tôi được ưa thích vì không những lâu đời mà còn hoạt động được, nhưng tôi sẽ không bán, nó là niềm vui của tôi” - ông Thơm chia sẻ.
"Mỗi người đều có một thú vui riêng. Với tôi, nhặt nhạnh, sưu tầm biến những thứ đã chết, sống lại không chỉ là niềm vui mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bởi vì những sản phẩm này nếu đem vứt ra môi trường thì phải mất vài chục năm, có khi đến vài trăm năm mới phân hủy hết, còn mình cải biến thì chúng thành những đồ vật có giá trị, có thể sử dụng được và làm vật trang trí đẹp”. Ông Thơm nói.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét