Tôi hơi lo lắng một chút khi Hà ngồi trước mặt. Trái ngược với giọng nói nhẹ, trẻ và khá ngọt khi hẹn qua điện thoại, cô trông già hơn chục tuổi, khuôn mặt gầy sát, đen sạm, má rỗ, đôi mắt nhìn chằm chằm vào người đối diện. Cô đang hút thuốc, mắt nhìn thẳng vào tôi, còn tôi tự hỏi không biết chúng tôi có thể nói chuyện với nhau không.
Tôi đành bắt đầu bằng những câu hỏi xã giao, kiểu sống ở đâu, với ai, nhà có gần đây không... Khi Hà bắt đầu nói chuyện, tôi thấy dễ chịu hơn. Người đàn bà có vẻ ngoài bất cần đời này không phải là một bức tường đóng kín, cô ấy là cánh cửa đang từ từ mở ra. Và tôi thấy một thế giới khác.
Cô đơn trong gia đình
“Sao mẹ không ăn cơm? Mẹ ăn cơm đi chứ!” - đứa con trai 7 tuổi của Hà tròn mắt hỏi, khi cả nhà đang ăn cơm thì Hà về. Như mọi lần, bố mẹ Hà im lặng, tiếp tục bữa ăn của mình, không nói lời nào.
Hà sống cùng trong ngôi nhà này, nhưng là “sống cùng” theo nghĩa như vậy. Hà ăn riêng, ngủ riêng, hầu như không nói chuyện. Đi đi về về một phòng trên gác hai, nếu có ốm bệnh nằm đó thì mẹ Hà cũng mặc kệ. Kể cả con trai Hà, mọi việc ăn uống, chăm sóc, đưa đón… cũng đều do bố mẹ Hà đảm nhiệm. Hà không được ngủ với con, không được đưa con đi chơi. Có lần, Hà thèm tắm cho con quá, bảo con vào mẹ tắm cho, nhưng cô bị ngăn lại. Mẹ Hà bảo với cháu: “Không được để mẹ đụng vào người, lây bệnh!”.
Hà bị nhiễm HIV, chắc là do một lần dùng chung kim tiêm nào đó mà cô cũng không nhớ rõ.“Không thể trách bố mẹ được. Ông bà là dân lao động, hiểu biết có hạn, với lại, ông bà đã già rồi vẫn phải nuôi con cho em”, cô nói.
“Lấy chồng đã hại cuộc đời em!”, Hà kể. Hà lấy chồng năm 16 tuổi, một chàng trai hơn 2 tuổi, đã được bố mẹ cảnh báo trước là nghiện ngập. Trong một lần chồng thách thức “chơi không”, sẵn tính hiếu thắng trẻ con, cô chặc lưỡi “chơi thì chơi, sợ gì!”. Hà nghiện, chồng bị bắt đi cai, bố mẹ chồng đuổi cô ra khỏi nhà và cô bắt đầu đi làm gái.
Hà cười cười và gật gật đầu khi tôi hỏi về việc lên giường với một người xa lạ, làm sao để chấp nhận và vượt qua cảm giác đó. “Đúng là rất ghê! Nhưng với một con nghiện thì mỗi sáng thức dậy điều đầu tiên xuất hiện trong đầu là “làm sao để có tiền mua thuốc? – cô giải thích- một ngày trung bình hết 500 nghìn tiền thuốc, lấy đâu ra, bằng cách nào?”.
Tôi hỏi quãng thời gian đó, có lúc nào Hà nghĩ đến việc bỏ công việc này không. Hà lắc đầu, làm gì có lúc nào mà nghĩ! Nói ngắn gọn, cô chìm trong phê để quên đi cảm giác ghê và vượt qua cảm giác ghê để có tiền phê, trong 8 năm liền.
Đàn ông tìm đến Hà họa hoằn mới có người hỏi chuyện, đó là những giây phút tủi thân hiếm hoi. Hà thấy cuộc đời mình sao đến nông nỗi này và muốn thay đổi. Nhưng cảm giác đó đi qua rất nhanh, bởi: “Làm sao để thay đổi, muốn bắt đầu lại phải có tiền và có vốn. Ai giúp mình? Không ai giúp cả!”.
Thế nhưng, cách đây 6 năm, Hà đã tự nguyện đi cai nghiện. Hà muốn bỏ ma túy, bỏ nghề làm gái, bắt đầu lại từ đầu.
Bởi vì có con
Khi nhìn vào con, lần đầu tiên trong đời Hà muốn thay đổi. Hà nghĩ con mình bé dại, ông bà già không sống được bao lâu nữa, rồi con Hà cũng lớn lên và nhìn vào mẹ. Hà muốn con thấy mình là một bà mẹ bình thường, đi làm một công việc bình thường kiếm tiền nuôi con.
Hà phát hiện mình nhiễm HIV chính vào lúc cô ở trại cai nghiện, quyết tâm từ bỏ tất cả, làm lại cuộc đời. Bố mẹ Hà muốn cô không bao giờ quay trở về nhà nữa, không được lại gần con nữa. Giây phút ấy, là lúc Hà cảm thấy thương chính mình nhất. Mọi thứ như đóng sập lại đúng lúc cô muốn bắt đầu, cô cảm thấy mình mất tất cả.
Người đàn bà mà lúc mới gặp tôi nghĩ là đầu gấu, bây giờ mắt ươn ướt. Cô bảo khóc nhiều quá rồi nên bây giờ xúc động cũng không thấy nước mắt nữa, cho dù nhiều đêm tỉnh dậy thấy hai dòng nước lăn dài trên má.
Ba năm nay, sau khi rời khỏi trại cai nghiện, Hà bỏ nghề cũ, đi bán trà đá buổi tối ở vỉa hè. Hà nghĩ, đằng nào thì cũng chết trước bố mẹ mình, may ra ở cùng con vài năm nữa, nhưng còn ngày nào thì sẽ cố gắng làm lụng, tích cóp, lo cho con được từng nào hay từng đó. “Mỗi ngày, em kiếm được khoảng 50 nghìn đồng. Những ngày đi làm đầu tiên sau 8 năm làm gái, em nhận ra rằng kiếm tiền khó khăn như thế nào. Trước đó, mỗi lần “đi khách” em cũng được 300 - 500 nghìn”, Hà nói. Nhưng cảm giác cầm trên tay đồng tiền đó, mua quần áo, đồ dùng học tập cho con bằng đồng tiền đó, với Hà rất khác trước. Hà cười rất tươi: “Ba tháng sau khi đi làm, em dẫn con đi tới nhà sách, mua cho con món đồ chơi đầu tiên. Hạnh phúc lắm. Đó là đồ chơi xếp hình giá 70 nghìn đồng”.
Sau một buổi nói chuyện dài và buồn về quá khứ, tôi muốn hỏi một câu khiến cô vui lên: Hình ảnh nào, hay khoảnh khắc nào đó về con khiến em cảm thấy mạnh mẽ hơn, có động lực sống tiếp hơn? Hà mỉm cười: “Khi nhìn con học bài, em thấy tương lai của con còn phía trước, rằng ông bà đã già rồi, em phải kèm con học”.
Hà nói, bây giờ không buồn nữa, cô đang đăng ký một lớp học nghề ở CSAGA, ước mong có một nghề ổn định để kiếm tiền nuôi con trong thời gian còn lại. Tôi nhìn khuôn mặt hi vọng của Hà lúc đó và nghĩ rằng thực ra chúng tôi không có gì xa lạ, chúng tôi đều giống nhau và giống tất cả những người làm cha làm mẹ trên thế gian này, đều có thể thay đổi vì con và cố gắng làm việc mỗi ngày để con mình có một tương lai tốt hơn.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Support Online
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét