Bi kịch đến với Hồng từ một lần cô đi cà phê cùng nhóm bạn giữa năm 2013 ở Bắc Ninh. Tại đây, một chàng trai tên Nam, khá lịch thiệp, đã làm quen với cô rồi xin số điện thoại. Qua những cuộc gọi, tin nhắn, Hồng coi Nam như một người bạn. Vì lẽ đó, khi Nam nói đang có mặt ở Thái Nguyên – nơi Hồng theo học và hẹn Hồng cùng ăn trưa trước khi Nam về Bắc Ninh, Hồng không nỡ từ chối.
Ở với chó, giả bệnh, giả điên để giữ mình“
Hôm đó là ngày mùng 7 Tết Âm lịch, em vừa từ quê lên để dọn phòng thì anh Nam gọi báo em là đang ở bến xe. Đi học xa, gặp bạn bè đồng hương nên em cũng vui vẻ nhận lời. Lúc ăn cơm thì không có gì bất thường nhưng tới lúc anh này sắp lên xe thì có nhờ em đi mua thuốc say xe. Em mua xong rồi ngồi uống cốc nước đã để sẵn trên bàn. Kể từ đó, em mê mệt không biết gì nữa. Tỉnh dậy, em đã thấy mình đang ngồi trên một chiếc xe con chạy trên đường cao tốc. Nhìn ra ngoài, em thấy toàn biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc. Người lái xe và gã thanh niên tên Nam cũng nói với nhau bằng tiếng Trung nên em đoán là mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Sau này, em mới biết nơi mình bị bán đến là một địa danh thuộc tỉnh Quảng Tây. Em quay sang gào thét, cào cấu Nam thì hắn tát em một cái trời giáng rồi chỉ tay vào mặt em và nói: “Bây giờ, mày đã qua đến đây. Mày nghe tao thì sống”. Sợ quá, em đành lặng im. Đến một nơi, Nam bán em với giá 2.000 nhân dân tệ (khoảng 70 triệu đồng – PV)” - Hồng nhớ lại những ký ức kinh hoàng.
Hồng vẫn còn kinh hoàng khi nhớ về những ngày tháng khủng khiếp đó (ảnh minh họa).
Kể từ thời điểm đó, Hồng biết tương lai của mình u ám tới nhường nào. Một là có thể bị bán vào các nhà chứa làm gái mại dâm, hai là bán cho những gã đàn ông Trung Quốc không thể lấy được vợ. Hình dung tới viễn cảnh kinh hoàng đó nên Hồng đã không ngừng suy nghĩ ra các phương kế để thoát cảnh bị biến thành một món hàng.
“Lúc đầu, em nghĩ ra cách giả điên khi cắn dập môi mình, cào xước hết chân tay như người ghẻ lở rồi vờ lên các cơn động kinh, sùi bọt mép. Cứ thấy có người đến xem là em la hét om sòm, lao vào cào cấu. Cũng may mà em học ngành y nên có những kiến thức cơ bản về những căn bệnh mà em “nhập vai”. Vì vậy, em thoát được mấy lần đầu khi có “khách” tới hỏi mua dù cho mỗi lần khách chê là em lại lĩnh một trận đòn nhừ tử” - Hồng kể lại.
Tuy nhiên, những kẻ buôn người vẫn cho rằng Hồng đang diễn kịch. Bọn chúng càng bực mình khi Hồng khiến chúng mất thêm công trông nuôi. Lúc này, chúng nghĩ ra một chiêu độc: Nhốt Hồng vào cũi sắt cùng một con chó béc giê đã trưởng thành. “Ở chung chuồng với con chó to lớn ngang với mình và rất dữ dằn nên em sợ lắm. Nhưng may là nó không cắn em. Vất vả và sợ nhất là lúc người ta mang đồ ăn bỏ vào chuồng chó cho em. Lúc đó, con chó cũng nhảy vào tranh phần ăn. Em cũng phải liều mạng tranh ăn với nó. Hôm được, hôm không. Tuy nhiên, con chó này cũng “giúp” em trong kế hoạch giả điên, giả bệnh. Em lấy phân chó, bôi đầy lên... chân tay, quần áo mình. Vì vậy, có khách đến mua, chỉ cần nhìn thấy em là họ sợ phát khiếp. Suốt năm tháng trời, em chỉ mặc độc một bộ quần áo” - Hồng cay đắng kể thêm.
Liều chết để trốn thoát
Kế hoạch giả điên của Hồng giúp cô “ế” trong 5 tháng. Đến khoảng tháng 6.2014, có một gia đình nhất quyết chọn cô về làm vợ cho người con trai bị bệnh tim, vốn chẳng còn sống được bao lâu thì lúc này, Hồng biết không thể trốn tránh được.
Chiếc điện thoại nhỏ xíu chính là vật dụng giúp Hồng liên lạc với chị Loan.
“Đẩy em đi, bọn buôn người thở phào như đẩy được một cục nợ. Về với gia đình đó được mấy hôm, em cũng giở đủ trò điên khùng. Rồi đến khi ông bố trong nhà đó định giở trò hãm hiếp em, em la hét om sòm nên bà vợ ông này phát hiện. Vì vậy, em lại bị trả về chỗ cũ. Thêm một trận đòn nhừ tử, em lại bị mấy người đó quẳng em vào cũi sắt, nơi đang nhốt một con chó” - vẫn lời kể của Hồng.
Tuy nhiên, lần sống trong cũi sắt này, Hồng may mắn gặp được ân nhân của mình. Đó là một người phụ nữ tên Loan, là người Việt làm nghề đưa cơm bên Trung Quốc.
“Cứ đến giờ ăn, chị Loan lại mang cơm vào cho những người bị nuôi nhốt trong chỗ em ở. Chị chú ý nhất tới em vì em là người duy nhất bị nhốt trong chuồng chó. Có lần, bọn buôn người không chú ý, hai chị em có trao đổi được với nhau một hồi. Chị ấy hiểu hoàn cảnh và tâm tư của em. Em thì cầu xin chị ấy cứu em. Dần dần, chị ấy cũng đồng ý và lén lút đưa cho em một cái cưa sắt, một chiếc điện thoại nhỏ xíu bằng hai đầu ngón tay để tiện hai chị em liên lạc. Em phải giấu kỹ chiếc điện thoại này vào trong quần nhỏ của mình, chỉ khi nào cần gọi thì mới bật nguồn thôi. Tuy nhiên, điện thoại này lại không gọi về Việt Nam được. Chị ấy dặn em dùng chiếc cưa sắt để cưa đứt những thanh sắt của cũi chó rồi cưa song cửa sổ liền kề đó mà thoát ra ngoài. Ra được ngoài rồi thì liên lạc, khi đó, chị ấy sẽ giúp em về Việt Nam” - Hồng nhớ lại.
Hồng vẽ lại ngôi nhà của mình, rồi đẩy lên mạng xã hội để tìm lại người thân.
Và cô đã kiên trì làm theo đúng kế hoạch, chờ đợi thời cơ. Đến một ngày cuối tháng 7.2014, khi thấy lũ ma cô canh gác chỉ còn có một người, lợi dụng lúc tên này đi vắng, Hồng đã nhanh tay cưa nốt phần cũi sắt và song cửa sổ đã cưa gần hết trước đó. Lúc ra khỏi cũi sắt, cô thấy từ trên cửa sổ xuống dưới đường cao không dưới 4m. Liều mình, cô cầu trời khấn phật rồi nhảy đại xuống dưới. May mắn là cô chỉ bị trẹo chân. Cô cố gắng lết thật xa ra khỏi căn nhà nơi giam giữ cô và các cô gái khác.
“Khi ra được bên ngoài, em gọi cho chị Loan. Chị ấy bảo em nấp thật kín vì có rất nhiều người đi tìm em, chị ấy cũng chưa dám ra mặt. Thấy một chiếc xe chở hàng, em lẻn vào trong thùng hàng của xe đó. Một lúc sau thì xe đã chạy vù vù trên cao tốc. Lúc này, em gọi lại chị Loan, chị ấy bảo em phải tìm cách xuống xe ngay thì chị em mới tìm được nhau. Thêm một lần nữa em liều mạng nhảy từ thùng xe xuống đường. Sau cú nhảy liều mạng đó, em bị chấn thương và bất tỉnh” - Hồng mường tượng lại.
Tỉnh dậy, Hồng đã thấy mình được chăm sóc trong một ngôi nhà của một gia đình người Trung Quốc. Ông chồng làm nghề bác sĩ, vợ làm tại một cơ quan hành chính nhà nước. Vì Hồng mất trí nhớ nên họ ra hiệu cho Hồng bình tâm mà nhớ lại, họ sẽ giúp cô. Lúc này, Hồng tranh thủ học thêm tiếng Trung để giao tiếp. Cô cũng nhận những người đã cứu mình là bố mẹ nuôi.
“Chừng 1 tháng sau, em bắt đầu nhớ ra những ký ức đầy đủ, nhớ ra chị Loan, nhớ về gia đình ở Bắc Ninh. Em gọi điện và kết nối với chị Loan và mời chị qua nhà bố mẹ nuôi của em. Em vẽ lại ngôi nhà của mình ở Bắc Ninh, lên mạng xã hội để tìm lại bạn bè và các mối liên hệ với gia đình. Tới đầu tháng 9 vừa rồi thì em kết nối được với gia đình và được chị Loan cùng bố mẹ nuôi bên này đưa em về tới biên giới để đoàn tụ với gia đình” - Hồng kể lại về giây phút đoàn tụ.
“Chúng tôi tưởng đã mất con rồi. Khi sự việc xảy ra, vợ chồng tôi chỉ biết thẫn thờ lên phòng trọ của cháu mà dò la và ngóng chờ tin con nhưng càng ngóng càng bặt tăm. Đi báo với Công an tỉnh Thái Nguyên thì họ bảo cứ chờ, chả biết con bé có mất tích hay lại ham vui với bạn mà bỏ đi. Mãi tới hồi đầu tháng 9 vừa rồi, khi nó liên lạc về tôi mới biết con mình còn sống, gia đình tôi vui như chết đi mà được sống lại. Gia đình tôi ngàn lần đội ơn chị Loan và bố mẹ nuôi nó ở bên Trung Quốc. Có họ, cháu mới được tái sinh lần thứ hai. Hiện cháu được nhà trường tạo điều kiện cho bảo lưu để năm sau đi học tiếp. Về kẻ đã lừa bán con tôi, theo cán bộ điều tra thì tên này vẫn lẩn trốn bên Trung Quốc nên việc truy bắt gặp nhiều khó khăn. Tôi rất mong hắn sẽ bị pháp luật trừng trị” - bà Nguyễn Thị Vân, mẹ của Hồng nói trong nước mắt.
Xác nhận với PV Dòng Đời, ông Lê Nguyên Thuân - Trưởng thôn Phù Lộc, xã Phù Chẩn, Từ Sơn, Bắc Ninh cho hay: Việc cháu Hồng là người trong thôn bị bắt cóc rồi bán sang Trung Quốc từ tết đến giờ mới tìm được đường về nhà là có thật. Gia đình Hồng đã báo cáo chính quyền địa phương về việc này. Khi Hồng về, gia đình cũng thông báo tin vui này tới chính quyền địa phương và bà con trong thôn để mọi người đến chia vui. Ai cũng cảm phục hành trình thoát thân của cháu Hồng.
Support Online
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét