Trong phần phát biểu của mình, đại diện Viện KSND cho rằng có đủ cơ sở để khẳng định Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt tiền của VietinBank. Theo vị đại diện, một thực tế là toàn bộ số tiền của 5 công ty (Toàn Cầu, Hưng Yên, An Lộc, Phương Đông và SBBS) đều đã được gửi vào tài khoản của VietinBank và đã được hạch toán đầy đủ. Huyền Như ký giả chữ ký, lập hồ sơ giả để rút tiền của những công ty trên. Do vậy, việc mất tiền tại VietinBank trên là Như có dấu hiệu phạm tội tham ô.
Theo đại diện Viện KSND, nếu VietinBank quản lý tốt thì không ai lấy được tiền của ngân hàng, Huyền Như cũng không thể lấy được tiền nếu không có sự tắc trách trong quản lý của VietinBank. Có thể thấy VietinBank đã bị chính Huyền Như lừa, chiếm đoạt tiền. Như phải chịu trách nhiệm với VietinBank.
Còn đối với hai khoản tiền thiệt hại của ACB và NaviBank, đại diện Viện KSND cũng giữ quan điểm rằng Huyền Như lừa đảo tiền của 2 ngân hàng này. Tiền gửi của 2 ngân hàng này đã vào đến hệ thống của VietinBank rồi mới bị Như chiếm đoạt. Nhận định này của đại diện Viện KSND bị các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của hai ngân hàng phản đối.
Luật sư Lưu Văn Tám - bảo vệ quyền và lợi ích cho ACB cho rằng Viện KSND nhận định hành vi của Huyền Như là tham ô tài sản. Tuy nhiên, luật sư Tám cho rằng hành vi của Huyền Như với các nhân viên ACB cũng giống về hành vi, thủ đoạn tương tự như 5 công ty trên nhưng Viện KSND lại cho rằng đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không phải hành vi tham ô là không hợp lý.
Theo luật sư, trách nhiệm của Vietinbank đối với 32 hợp đồng mà các nhân viên ACB thực hiện với Vietinbank cũng giống như 5 công ty trên về mặt logic của sự việc, nên Vietinbank cũng phải chịu trách nhiệm do quản lý kém, làm mất tiền của nhân viên ACB.
Còn luật sư Trương Thanh Đức - bảo vệ quyền và lợi ích cho Navibank cho rằng khi phân tích về các giao dịch hợp pháp, hợp lệ của 5 công ty và về trách nhiệm của Vietinbank đối với tiền gửi của khách hàng, Viện KSND đã đưa ra những lập luận đúng đắn, hợp tình, hợp lý. Nhưng chính điều đó lại dẫn đến mâu thuẫn trong lập luận của Viện KSND đối với phần tiền gửi của 4 nhân viên Navibank. Thậm chí còn vô lý hơn khi Vietinbank không phải chịu bồi thường, lại còn được "tặng thêm" hơn 1,8 tỷ đồng.
“Nếu cứ theo ý kiến của Viện KSND đối với Navibank, thì bản án phúc thẩm sắp tuyên có nguy cơ phải chấp nhận nghịch lý chặt đôi giữa ngọn và gốc của 1 sự việc, chia đôi 1 nhóm nạn nhân, tách đôi 1 sự thật, xẻ đôi 1 bản chất vấn đề, chẻ đôi 1 điều luật, để thành 2 phán quyết hoàn toàn trái ngược nhau” - luật sư Đức nói.
Support Online
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét